Nếu như đôi quang gánh gắn với các bà, các mẹ người Kinh để buôn gánh bán bưng, vận chuyển những đồ vật nặng nhọc thì chiếc gùi dân tộc là biểu tượng không thể thiếu đối với đồng bào dân tộc vùng cao từ xưa đến nay. Có bao nhiêu loại gùi dân tộc, mỗi dân tộc đan gùi ra sao? Xem bài viết sau đây.
Gùi là vật dùng được đan thủ công từ chất liệu mây, tre hay vót, rất gắn bó trong đời sống của đồng bào dân tộc vùng cao. Chiếc gùi dân tộc theo bà con miền núi trong tất cả hoạt động thường ngày. Chúng theo chân mọi người khi đi lên rẫy, lên nương, đi rừng và cả khi đi chợ. Gùi đựng đồ nhưng có thêm 2 quai để người dân tiện mang vác trên vai, không phải dùng tay để cầm giữ đồ. Vì vậy, nó rất thuận tiện khi sử dụng, nhất là khi đi xa, băng rừng, lội suối.
Chiếc gùi gắn chặt trong đời sống của người vùng cao từ bao đời nay, chúng đã trở nên một thành viên trong gia đình, luôn luôn song hành với mọi người khi lên nương, rẫy, ra chợ hoặc đi thăm người ốm. Chiếc gùi có thể đựng lúa thu hoạch, vừa là một công cụ vận chuyển vừa là một tủ chứa thức ăn hàng ngày, khi đi chợ mang theo trong gùi như: cây ngo, mật ong rừng, quả bí, trái bầu để bán, đến khi về, chiếc gùi chứa các món khác như: bột giặt, mắm, muối hoặc quần áo may sẵn... Và chiếc gùi còn có thể đựng cả tuổi thơ của những em bé vùng cao, khi ta có thể bắt gặp các hình ảnh em bé ngoan ngoãn ngồi trong chiếc gùi dân tộc theo chân mẹ lên nương.
Không chỉ là đồ vật sử dụng trong cuộc sống hằng ngày mà còn là một trong những tác phẩm nghệ thuật được trang trí nhiều hoa văn, thể hiện đôi bàn tay khéo léo, óc thẩm mỹ, gửi gắm bao tâm tư tình cảm của người làm ra nó. Trong cuộc sống hiện đại hôm nay, có nhiều vật dụng thay thế gùi nhưng các đồng bào dân tộc nói chung vẫn luôn xem gùi là vật dụng quan trọng, gần gũi, là nét đẹp riêng của dân tộc cần được bảo tồn và phát huy giá trị vốn có.
Gùi là văn hoá đặc trưng của các dân tộc thiểu số vùng cao từ xa xưa đến nay. Ngày nay, việc cả xã hội sử dụng túi ni lông tràn lan trong sinh hoạt làm ảnh hưởng đến môi trường sống của chính con người và các loài động vật trên thế giới. Với văn hóa dùng gùi để đựng các vật dụng mua từ chợ, đồng bào dân tộc đang góp phần bảo vệ môi trường sống xung quanh, nói không với rác thải nhựa.
Có thể nói, mỗi dân tộc đều có những kiểu gùi, cách đan gùi dân tộc khác nhau. Ngoài ra, sự sáng tạo hoa văn, hoạ tiết đặc trưng của từng dân tộc, cũng làm nên nét độc đáo của chiếc gùi.
Đối với đồng bào dân tộc ở miền núi cao, bà con thường chế tác thân gùi có hình chữ A lộn ngược, đế nhỏ, miệng loe, gọn gàng, thuận tiện khi lên nương làm rẫy. Còn đồng bào dân tộc ở vùng thấp hơn, chế tác miệng và đáy gùi khá cân đối. Dây đeo của chiếc gùi được đan bằng mây vót mỏng hoặc vỏ cây lạch. Một chiếc gùi được đan công phu bằng các loại cây mây chắc bền, có thể sử dụng được 20 năm. Khi không sử dụng, bà con thường treo gùi trên giàn bếp nên không bị mối mọt hay ẩm mốc.
Nếu chia theo chức năng thì gùi dân tộc cũng có nhiều loại như gùi thưa dùng để mang củi, mang ống nước từ rẫy, từ suối về nhà; gùi cỡ lớn, đan dày dùng đựng thóc, ngô. Gùi nhiều màu sắc, hoa văn tươi sáng thì dùng để đi chợ. Lúc đó chiếc gùi dân tộc tựa như phụ kiện trang trí tôn thêm nét duyên dáng, khoẻ mạnh của những cô gái vùng cao.
Mặc dù chiếc gùi gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ dân tộc nhưng đây lại là sản phẩm mây tre đan đặc trưng của người đàn ông. Việc đan gùi cũng giống như văn hoá truyền thống truyền từ đời này sang đời kia, giữa những người đàn ông để khi lập gia đình thì phải biết đan gùi cho vợ, cho con đeo. Người dân tộc cũng có tập tục chọn chồng thông qua tài đan gùi. Những chàng trai đan gùi khéo, giỏi được cho là người đàn ông tháo vát, có trách nhiệm, và siêng năng hơn.
Trong đời người đàn ông dân tộc vùng cao có thể phải đan cả trăm chiếc gùi, bởi sau vài năm chiếc gùi lại hỏng hoặc xuống cấp cần đan cái mới. Hơn nữa, trong gia đình, ai cũng có gùi riêng tùy theo độ tuổi của mình và cũng có nhiều loại gùi dành riêng cho các công việc khác nhau. Đan được một chiếc gùi không hề dễ dàng, phải trải qua nhiều công đoạn như tìm nguyên liệu, chẻ và vót nứa, làm đế gùi, đan thân gùi và dây gùi. Đó là đối với những chiếc gùi đơn giản. Còn đối với những chiếc gùi đòi hỏi kỹ thuật, hoa văn phức tạp thì thường chỉ có những người cao tuổi trong làng mới đủ trình độ, sự tỉ mỉ để làm được.
Chiếc gùi có mặt trong đời sống của đồng bào dân tộc vùng cao tự bao giờ không ai biết nữa, chỉ biết rằng chiếc gùi đã cùng với người dân miền núi chia sẻ những nhọc nhằn. Mỗi khi ai đó xa quê, gùi dân tộc lại là nỗi thương nhớ trong kí ức của người yêu rừng, nhớ suối…Dưới đây, Đan Trà sẽ giới thiệu cho bạn một số loại gùi của các dân tộc phổ biến nhất:
Gùi dân tộc Churu là một biểu tượng văn hóa độc đáo, phản ánh sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người. Được làm chủ yếu từ chất liệu tre, nứa, gùi không chỉ đơn thuần là một vật dụng chứa đựng, mà còn là sản phẩm của bàn tay khéo léo và tâm hồn nhạy cảm của người Churu. Với thiết kế hình tròn và quai xách chắc chắn, gùi trở thành người bạn đồng hành trong những chuyến đi rừng, hay khi bà con lên nương hái trái. Sự tinh tế trong từng đường nét, từ cách đan xen những thanh tre cho đến sự chăm chút trong việc trang trí họa tiết, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật không chỉ mang tính thực dụng mà còn chứa đựng tâm tư, tình cảm của dân tộc.
Quá trình đan gùi của người K’ho cũng rất phức tạp. Nghề đan gùi đòi hỏi kỹ thuật khá tinh xảo, mất nhiều thời gian nhất là kỹ thuật tạo hoa văn trên sản phẩm, bởi vậy nên thường chỉ những người lớn tuổi mới đủ kiên nhẫn để tạo ra những sản phẩm ưng ý, hàm chứa yếu tố văn hoá và bản sắc dân tộc. Mỗi loại gùi của người K’ho thường có công dụng khác nhau. Theo đó, Sah sơn là chiếc gùi to, có công dụng đo lượng. Một chiếc gùi có thể đựng được 50kg thóc. Còn “sớ dà” là những chiếc gùi được đan thành nhiều kích cỡ khác nhau dùng để gùi nước, củi, lúa gạo và mang lên nương rẫy…Riêng loại gùi: “sớ bơnơr” chủ yếu dùng để đi hội, đi chợ. Vì chiếc gùi này nhỏ gọn, được đan công phu hơn và được trang trí với nhiều hoa văn, họa tiết đẹp mắt nhằm tô thêm vẻ đẹp lộng lẫy của người phụ nữ vùng sơn cước.
Gùi đan kín của dân tộc Châu Mạ là minh chứng cho sự sáng tạo và khéo léo trong nghệ thuật thủ công. Khác với gùi của các dân tộc khác, gùi Châu Mạ được thiết kế với cấu trúc kín, bảo vệ tốt hơn cho hàng hóa bên trong khỏi những tác động bên ngoài. Sự cầu kỳ trong từng mối đan không chỉ thể hiện kỹ thuật điêu luyện mà còn phản ánh những giá trị văn hóa sâu sắc. Mỗi chiếc gùi mang dấu ấn riêng, không chỉ là phương tiện chứa đựng sản vật, mà còn là vật phẩm linh thiêng, gắn liền với đời sống tâm linh và phong tục tập quán của cộng đồng. Trong những ngày lễ hội, gùi còn được sử dụng như một biểu tượng của sự thịnh vượng và niềm tự hào dân tộc
Trong khi người phụ nữ Mông đảm nhiệm việc thêu thùa, may mặc, các công việc nội trợ trong gia đình thì đàn ông người Mông sẽ đảm nhiệm đan lát. Tài nghệ khéo léo của người đàn ông sẽ được đánh giá qua chiếc gùi đẹp và bền chắc. Chiếc gùi sẽ được đan đáy hình vuông trước, sau đó đan thứ tự từ đáy lên đến miệng gùi. Người Mông sẽ đan thưa trước, sau đó gập xuống đáy, lấy một đoạn tre dày khoảng 1 cm, rộng 2,5 cm tạo thành hình tròn trồng lên miệng gùi rồi gập các nan lại xuyên qua các lỗ hổng từ miệng gùi xuống đáy để thành gùi kín, phần thừa của nan gập vào đáy tạo hai lớp giữ gùi vững chắc hơn.
Bên cạnh đó, để chiếc gùi bền lâu, đẹp mắt, người đan sẽ dùng thêm nan mây hoặc nan tre non để nhiều năm trên gác bếp đan ở dưới đáy và trên miệng. Gùi có hai dây đeo, ngày xưa người Mông thường lên rừng lấy các sợi của cây móc để đan làm dây đeo cho bền, đỡ đau vai khi gùi vật nặng. Ngày nay, dây đeo chủ yếu được cắt may từ bao tải hoặc da trâu, bò. Thời gian hoàn thiện một chiếc gùi là từ một đến hai ngày, tùy vào mức độ khéo tay, sự nhanh nhẹn của người đan.
Trong gia đình của mỗi người Gia Rai đều có chiếc gùi để làm vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày và trở nên rất gần gũi. Gùi của người Gia Rai có nhiều loại: Reo Bơ Lông (gùi nhỏ không có hoa văn), Reo Bơ Nga (gùi nhỏ có hoa văn), Ro (gùi để củi, bắp, mì, để chứa bầu nước) và Reo (gùi lớn). Gùi dân tộc Gia Rai có 3 bộ phận chính là chân gùi, thành gùi và miệng gùi. Phần chân gùi cao hơn 1 ngón tay được làm từ thân cây chao, đây là loài cây dai và dẻo. Để làm được phần chân gùi, người dân tộc Gia Rai phải dùng thân cây chao được chẻ mỏng, ngâm nước 3 ngày, sau đó vớt lên rồi uốn thành hình vuông.
Người Gia Rai thường mất nhiều thời gian để làm nên một chiếc gùi, vì đối với họ, sản phẩm làm ra không những phải bền mà còn phải đẹp, thẩm mỹ. Trước đây, người phụ nữ Gia Rai (theo chế độ mẫu hệ) thường chọn chồng trên tiêu chí khéo tay, giỏi giang mà cụ thể là qua việc đan gùi dân tộc.
Hiện nay, gùi dân tộc rất phổ biến, không chỉ người dân tộc sử dụng mà người Kinh cũng xài vì tính tiện dụng của nó. Tuy nhiên, người Kinh sau khi sử dụng thì thường để gọn nó vào trong một góc, còn người dân tộc thường treo lên gác bếp để hong cho gùi được bóng, đẹp hơn. Vì đối với họ, gùi chính là văn hoá dân tộc cần gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Hiện nay, Mây tre Đan Trà có kinh doanh một số sản phẩm gùi dân tộc. Hãy tham khảo và chốt đơn để ủng hộ đồng bào dân tộc nhé!